Căn bệnh rối loạn tiền đình thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh này không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên các biểu hiện bệnh như chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống. Đặc biệt khi bệnh nghiêm trọng, người bệnh dễ bị té ngã, gây ra những chấn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Căn bệnh này có rất nhiều nguyên nhân, có thể là di chứng từ tai biến, hệ luỵ từ u não, u dây thần kinh, hoặc người bệnh làm việc, sinh hoạt không khoa học…. Hôm nay chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài viết ‘Người cao tuổi cần cảnh giác trước căn bệnh rối loạn tiền đình’.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình ở người cao tuổi
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn tiền đình. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây rối loạn mà bạn cần biết:
- Do huyết áp thấp, di chứng của tai biến; thiếu máu; các bệnh liên quan tới tim mạch… gây ra tắc nghẽn mạch máu, lượng máu lên não kém.
- Do hệ lụy của các bệnh như: U não, u dây thần kinh, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa…


- Thường xuyên sống trong môi trường có quá nhiều tiếng ồn, thời tiết chuyển mùa đột ngột, ít vận động…
- Người bị mất máu nhiều do chấn thương hoặc phụ nữ sau sinh…
- Uống quá nhiều rượu bia.
- Cơ thể nhiễm độc hoặc sử dụng một số loại thuốc… cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.
- Căng thẳng, mệt mỏi, áp lực kéo dài gây tổn thương cho hệ thần kinh
Triệu chứng của căn bệnh
Bệnh rối loạn tiền đình thường sẽ được biểu hiện bởi một số dấu hiện đặc trưng dưới đây:
- Chóng mặt: Chóng mặt chính là dấu hiệu đầu tiên nếu bạn bị rối loạn tiền đình. Bạn sẽ có cảm giác cơ thể quay cuồng, chao đảo. Việc đứng lên ngồi xuống cũng vô cùng khó khăn. Với những người bị nặng có thể sẽ không thể ngồi dậy được. Ngoài ra, còn kèm theo triệu chứng buồn nôn khó chịu. Mắt mờ và nhòe đi. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ biến mất ngay sau khi bạn nghỉ ngơi.
- Mất thăng bằng: Khi bị mất thăng bằng, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đi lại. Luôn có cảm giác lâng lâng và phải bám víu vào người hoặc vật khác. Mới có thể di chuyển được. Lý do chính là toàn bộ vùng tiền đình, mắt, ngoại tháp, tiểu não bị tắc nghẽn gây nên.
- Mất ngủ: Đây cũng được coi là một dấu hiệu của bệnh tiền đình.
- Ngất xỉu, mất ý thức: Nếu không phát hiện kịp thời để điều trị khi gặp các triệu chứng nói trên. Lâu dài người bệnh sẽ có thể bị mất ý thức dẫn tới ngất xỉu. Nguyên nhân là do giảm lượng máu lưu thông lên não, tụt huyết áp, rối loạn chức năng tim gây nên.
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Rối loạn tiền đình mặc dù chưa gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt; công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn… có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, khiến người bệnh không thể tập trung làm việc được.


Rối loạn tiền đình có thể chỉ xuất hiện vài ngày rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc của bệnh nhân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Khi xuất hiện triệu chứng, nếu người bệnh cố gắng đi lại thì có thể bị ngã, gây chấn thương, trầy xước da thậm chí là gãy tay, chân, chấn thương sọ não (do đập đầu vào vật cứng/nền đất cứng),…
Biến chứng nguy hiểm nhất của rối loạn tiền đình là gây đột quỵ do máu lên não kém. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên thực hiện điều trị rối loạn tiền đình tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cách phòng tránh rối loạn tiền đình hiệu quả
Để phòng tránh bệnh rối loạn tiền đình, bạn nên:
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Với những người làm việc ở văn phòng, ngồi nhiều giờ bên máy tính liên tục nên thường xuyên tập các bài tập vận động vùng cổ, gáy.
- Giảm căng thẳng âu lo.
- Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tránh để tình trạng cơ thể quá thiếu nước.
- Hạn chế uống bia, rượu, hút thuốc lá
- Đối với những người bị rối loạn tiền đình nên chú ý hoạt động vùng đầu cổ cẩn thận.
- Không nên quay cổ đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
- Khi có dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình, nên đến gặp và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý điều trị.
Nguồn: soyte.namdinh.gov.vn